Muốn trẻ cao lớn tối đa cần biết những điều này
Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Cha mẹ nào cũng muốn con mình đạt chiều cao tối đa khi trưởng thành, muốn thế thì những điều sau đây nên nắm rõ.
Theo nghiên cứu, có khá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ, tương ứng với chúng sẽ là các tác động cần thiết mà chúng ta có thể can thiệp để giúp con em mình phát triển chiều cao tối đa. Vấn đề chỉ là những yếu tố ấy gồm những gì? Chúng ta làm thế nào để giúp cải thiện vóc dáng cho trẻ dựa trên hiểu biết này?
Hiểu rõ vấn đề này có thể đọc qua bài "Những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ" đăng trên VnExpress như sau:
Theo Viện trưởng Viện Y học ứng dụng, chế độ dinh dưỡng, vận động, di truyền, ngủ nghỉ... tác động đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Chia sẻ trong một hội thảo về dinh dưỡng vừa diễn ra ở TP HCM, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chỉ ra mối tương quan của giấc ngủ, di truyền, dinh dưỡng, hoạt động thể chất, môi trường và sự phát triển chiều cao.
Khi ngủ, cơ thể tiết ra lượng hormone GH nhiều gấp bốn lần lúc thức. Lượng hormone thường đạt đỉnh từ 22h cho tới 1h sáng.
Trẻ từ một đến ba tuổi nên ngủ 12-14 giờ mỗi ngày, trẻ 3-6 tuổi phải ngủ 10-12 giờ và độ tuổi 6-12 cần ngủ khoảng 10-11 giờ. Nếu như các nước phương Tây đang làm đúng theo nguyên tắc này thì tại Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh chưa hướng con đến chế độ ngủ, nghỉ khoa học.
Phụ huynh nên cho con đi ngủ trước 22h, tốt nhất là 21h để đảm bảo trẻ đủ sức khỏe, tiết ra lượng hormone cần thiết giúp tăng trưởng chiều cao.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn chia sẻ, chiều cao người Việt thấp so với thế giới. Ảnh: Maison De Bill.
Hoạt động thể chất và vận động cũng cần thiết cho cơ thể, giúp tăng mật độ xương, hỗ trợ xương chắc khỏe. Bên cạnh đó, yếu tố bệnh tật cũng ảnh hưởng đến việc phát triển chiều cao. Những bệnh truyền nhiễm, giun sán, bệnh về đường hô hấp mãn tính... không tốt cho chiều cao của trẻ.
Ở góc độ dinh dưỡng, những thành phần có liên quan đến phát triển chiều cao của trẻ gồm: hormone, đạm, sắt, kẽm, canxi, vitamin D, vitamin A và vitamin K2. Trong đó, vitamin A tham gia miễn dịch, điều chỉnh sự phát triển của các mô trong hệ cơ, xương. Thiếu vitamin A có thể làm xương mềm và mảnh hơn bình thường, quá trình vôi hóa bị rối loạn.

Bộ ba vi chất vitamin K2, canxi và vitamin D sẽ giúp dẫn canxi vào xương, góp phần giúp tối ưu chiều cao của trẻ.
Sắt cần thiết để hình thành tế bào hồng cầu, mang đi nuôi cơ thể. Thành phần này đặc biệt quan trọng cho tuổi dậy thì vì đây là giai đoạn cơ thể phát triển nhanh, cần lượng máu cung cấp oxy lớn để tăng khối lượng cơ bắp.
Khẩu phần ăn của trẻ cần được đảm bảo đủ năng lượng, lipid, sắt, vitamin A, protein, vitamin B1, B2, C...
Vitamin K2 là vi chất quan trọng góp phần giúp tối ưu hóa canxi vào xương (đưa canxi đi thẳng vào xương). Nghiên cứu mới đây của Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho thấy, nếu thiếu vitamin K2, cơ thể không thể hấp thu canxi trong thức ăn, dẫn đến mật độ canxi trong xương giảm, xương dễ trở nên xốp và giòn, trẻ cũng không thể phát huy hết tiềm năng về chiều cao.
Chiều cao trung bình của thế giới là 1,71m (nam) và 1,59m (nữ). Người Việt khá thấp so với mức trung bình này - chỉ 1,64m (nam) và 1,53m (nữ).
Nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, còn nữ đứng thứ 13 từ dưới lên. "Đây là thực trạng đáng buồn. Nếu không cải thiện chiều cao cho thế hệ trẻ hôm nay, chúng ta sẽ không thể thoát khỏi top thấp đáng báo động này", Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn nói.
Dù nhiều năm nay ở nước ta điều kiện dinh dưỡng đã cao hơn trước rất nhiều, có thể nói là rất đầy đủ nhưng nhìn các em học sinh ta vẫn thấy rất nhiều em có chiều cao khá khiêm tốn. Nguyên nhân có lẽ vẫn nằm ở bậc cha mẹ chưa hiểu hết mọi điều cần thiết để con em phát triển tối đa về vóc dáng.
Thanh Thái
Bài liên quan